SNKRVN

SNEAKERS, Kiến thức

Nhà phân phối (Distributor) sẽ làm gì sau khi đã thoả thuận thành công với brand?

Trong loạt bài nói về cấu trúc & mối quan hệ trong thị trường sportswear, fashion,… và nói chung, SNKRVN đã mang đến cho các bạn một cái nhìn tổng quan về việc Làm thế nào để trở thành nhà Phân phối (Distributor) của một brand (Sportswear). Hôm nay chúng tôi muốn miêu tả tiếp về phần công việc cụ thể của một nhà Phân phối (Distributor) họ sẽ làm gì sau khi thoả thuận thành công với thương hiệu (brand).

Về cơ bản, sau khi đã chứng minh được tiềm lực tài chính, đội ngũ nhân sự, mối quan hệ,… của mình thì Distributor sẽ bắt đầu một hành trình làm việc với rất nhiều sự chuẩn bị cùng với brand để có thể đưa được hàng hoá đến tay người tiêu dùng.

1. Chuẩn bị mở cửa hàng: Đây là một bước vô cùng quan trọng mà Distributor phải làm việc chặt chẽ với Brand để có thể mở cửa hàng theo đúng như tiêu chuẩn quy định mà Thương hiệu đó đặt ra. Tuỳ theo từng thị trường sẽ có những chuẩn cửa hàng về diện tích từ 100m2 cho đến 1,000m2, địa điểm cụ thể như trong mall, hay ở mặt tiền đường. Tiêu chuẩn quy định về cửa hàng là một việc vô cùng quan trọng mà Brand sẽ luôn có người giám sát vô cùng chặt chẽ để đảm bảo toàn bộ thiết kế, không gian, trải nghiệm cửa hàng đúng với ý tưởng mà Brand đưa ra. Điều này để làm gì? Khi bạn bước vào một cửa hàng ở HCM, HN hay bất cứ nước nào khác, bạn cũng sẽ thấy được sự nhất quán & tính xuyên suốt mà một thương hiệu dày công xây dựng nhằm đảm bảo khách hàng cảm thấy tin tưởng về sản phẩm, thương hiệu, dịch vụ,…

Toàn bộ từ chi tiết cho đến tổng quan bên trong cửa hàng sẽ được Nhà Phân phối đầu tư với sự hỗ trợ từ Brand. Bên cạnh đó là việc hàng hoá được trưng bày như thế nào? Theo chiến dịch quảng bá sản phẩm cũng được cập nhật liên tục từ Brand & đội ngũ hỗ trợ từ Brand cho các nhà Phân phối.

2. Đội ngũ nhân sự quản lý cửa hàng: Mỗi cửa hàng của nhà phân phôi đều có đội ngũ riêng do chính Distributor chi trả tiền lương, thưởng,… Toàn bộ nhân sự của Distributor sẽ được tuyển chọn bởi Distributor và sau đó được cử đi học & đào tạo về Thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ,… Brand sẽ phụ trách gần như toàn bộ về quá trình Đào tạo bài bản nhất.

Có gì bên trong cửa hàng flagship rộng hơn 5500 mét vuông của PUMA

3. Địa điểm mở cửa hàng: Là một trong những yếu tố then chốt & quyết định lớn nhất cho thấy tiềm lực của Distributor ra sao. Các bạn có thể thấy rất nhiều vị trí đắt địa mà Distributor lựa chọn và sau đó là quá trình dài làm việc, thoả thuận, đàm phán cùng Brand để Brand có thể chấp nhận mở cửa hàng tại địa điểm đó. Brand sẽ luôn quan tâm đến rất nhiều yếu tố để có thể mở cửa hàng từ Traffic (lượng khách) trong một Shopping Mall hoặc 1 tuyến đường nhất định tại các Thành phố lớn & đông đúc dân cư nhất.

4. Hàng hoá: Bản thân Brand khi được cấp Giấy phép Kinh doanh sẽ quản lý hàng hoá nhập khẩu, phân phối tại thị trường đó. Đơn cử adidas sẽ quản lý trực tiếp toàn bộ các khâu từ Nhập khẩu, Phân phối, Marketing, Promotion, Định giá,… Sau đó phối hợp với Distributor để vận chuyển hàng hoá đến trực tiếp mỗi cửa hàng của Distributor.

5. Định giá sản phẩm: Giá bán lẻ (Retail Price) sẽ được quy định bởi Brand được cấp phép hoạt động tại thị trường đó. Tính nhất quán luôn được đảm bảo về Giá bán lẻ trên toàn hệ thống dù bạn có ở tỉnh thành nào cũng sẽ giống nhau (VNĐ). Toàn bộ giá bán lẻ của sản phẩm đều được tuân thủ nghiêm ngặt, nếu Distributor phá vỡ luật này sẽ có cảnh báo từ Brand. Trước đây 10 năm khi chưa được quản lý tốt thì còn xuất hiện tình trạng giá bán được quy định bởi Distributor, nhưng sau này đều được làm rất tốt. Giá bán của từng thị trường theo đồng tiền của thị trường đó có thể chênh lệch nhau phụ thuộc vào nhiều yếu tố về thuế, chi phí,… nên các bạn cũng đừng lấy làm lạ nhé.

Có gì bên trong cửa hàng flagship rộng hơn 5500 mét vuông của PUMA

6. Chiến dịch Marketing: Nếu brand đã chính thức được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, thì brand là người trực tiếp thực hiện các chiến dịch quảng cáo dựa theo những chiến dịch của Headquarter (HQ). Lúc này sự nhất quán sẽ xuất hiện từ Hình Ảnh (Visual) trong cửa hàng cho đến toàn bộ khu vực trưng bày riêng cho sản phẩm đang được quảng bá trong chiến dịch (Product Campaign). Còn nếu bản thân Brand chưa vào chính thức thì Distributor sẽ chịu trách nhiệm chính để làm việc dưới sự giám sát & quản lý của Brand phụ trách thị trường như bài trước mình có nhắc đến: APAC, SEAPAC, North America, Europe,…

7. Đặt hàng/Mua hàng từ Brand: Các bạn biết ngành thời trang sẽ có đặt thù bao gồm hai mùa Xuân Hè (SS – Spring Summer) và Thu Đông (FW/AW – Fall/Autumn Winter). Điều thú vị nhất ở chỗ là ngành thời trang sẽ luôn có những Buổi ra mắt sản phẩm mùa mới, ít nhất là 6 tháng để tạo cảm hứng, thuyết phục nhà Phân Phối biết được Brand sẽ làm gì trong năm tiếp theo. Sự kiện đó chỉ có Brand và Nhà Phân phối làm việc cùng nhau, mọi thứ đều được giữ rất kín kẽ vì liên quan đến chiến lược của thương hiệu. Ví dụ khi chúng ta ngồi chém gió với nhau trong thời điểm hiện tại, thì thật ra Brand & Distributor đã bắt đầu nói về sản phẩm, chiến dịch quảng cáo, công nghệ mới,… cho 6 tháng, có khi là 12 tháng tới rồi.
Brand sẽ tạo ra một danh sách hàng hoá cụ thể cho từng sản phẩm, Distributor sẽ phải đặt hàng với số lượng bao nhiêu, trong một dòng sản phẩm (Product Line) sẽ phải order bao nhiêu màu,… Tuỳ theo khả năng của Distributor dự đoán từ quá khứ, cho đến nhu cầu tương lai ra sao để có thể order hàng hoá. Sau đó Brand sẽ tổng hợp lại và bắt đầu làm việc với rất nhiều bên khác nhau như Brand HQ hoặc khu vực (Area) để bắt đầu lên kế hoạch sản xuất.
Các bạn nếu biết thì thị trường Sample (Hàng mẫu) chính là sản phẩm mà Brand sẽ đưa ra giới thiệu cho Distributor cầm, nắm, sờ, ngửi, cảm nhận,… để quyết định đặt hàng hay không. Sample mà bị tuồn ra từ nhà máy thì mình không tính nhé.

8. Chiến dịch Khuyến mãi/Giảm giá (Promotion & Sales): Không phải Distributor muốn làm chương trình Khuyến mãi/Giảm giá là tự do làm đâu các bạn ạ, tất cả chương trình đều được quản lý bởi Brand và phối hợp làm. Khi ra một sản phẩm mới như mua 1 đôi tặng 1 cái túi,… thì các bạn nghĩ đơn giản làm cái rẹt, nhưng không, quy trình đằng sau để bạn có được thêm 1 món sản phẩm giá trị cộng thêm vậy cũng rất mệt đấy. Hay chương trình SEASONAL SALES, giảm giá cuối mùa, khuyến mãi vào 1 dịp nào đó thì thường sẽ là do Brand đưa ra, hoặc nếu Distributor đó là Nhà phân phối độc quyền thì họ sẽ đề xuất lên Brand ở vùng.

Tất nhiên, còn rất rất nhiều những công việc khác mà mình khó có thể kể hết trong bài viết lần này, nhưng bài tiếp theo SNKRVN sẽ nói tiếp về việc: Vậy Distributor lấy lợi nhuận từ đâu khi bán sản phẩm/ phân phối sản phẩm của Brand? Các bạn đón đọc nhé. Tất cả thông tin trên đều được tổng hợp bởi kiến thức, thông tin cá nhân mình có được xuyên suốt quá trình làm việc trong hơn 7 năm vừa qua trong ngành Sportswear nói chug & nói riêng. Nếu bạn đọc có thấy bất cứ sai sót, mình hoàn toàn welcome và sẽ chỉnh sửa ngay để kịp thời đáp ứng nhu cầu bạn đọc.

 

Bình luận




Instagram